“MỌI SỰ CỐ GẮNG CHƯA CHẮC ĐÃ GẶT GÁI ĐƯỢC KẾT QUẢ NHƯNG MỖI KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CHẮC CHẮN LÀ CẢ MỘT QUÁ TRÌNH CỐ GẮNG”

Phó Thủ tướng: Học phí phổ thông không tăng và tiến tới phải miễn

Thứ bảy - 13/08/2022 21:46
(Dân trí) - Hiện học phí cấp tiểu học đã được miễn. Tiếp theo, chúng ta bàn tới cấp THCS và THPT theo hướng học phí không tăng và miễn nhanh hơn lộ trình nếu có thể.
Phó Thủ tướng: Học phí phổ thông không tăng và tiến tới phải miễn
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021- 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2023, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói như vậy khi chia sẻ với gánh nặng của phụ huynh học sinh và các trường học hiện nay.

Không tăng học phí phổ thông và tiến tới miễn

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng, trước thềm năm học mới, ngành GD&ĐT có rất nhiều việc phải làm.

Ngành GD&ĐT phải đổi mới quản lý, đổi mới quản trị trong bậc đại học lẫn phổ thông, phải xây dựng được môi trường dân chủ, văn hóa trong trường học...

Về SGK, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương đôn đốc Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ các văn bản cần thiết về chủ trường dùng ngân sách mua SGK cho học sinh mượn, cố gắng phải làm trong năm nay.


Đối với học phí, Phó Thủ tướng nói rằng, theo xu thế giá dịch vụ giáo dục phải tăng vì giá cả hiện nay đang tăng, nếu không sẽ khó cho các cơ sở giáo dục bởi đấy là phần cần thiết để các cơ sở giáo dục đảm bảo chất lượng.

Còn phần mà người dân và cha mẹ học sinh phải đóng mà lâu nay ta vẫn gọi là học phí cấp giáo dục phổ thông hiện nay thì không nên tăng.

"Hiện nay học sinh cấp tiểu học đã được miễn học phí. Tiếp theo đây, chúng ta phải bàn tới cấp THCS và THPT, tinh thần những khoản mà người dân phải đóng ở cấp phổ thông hay còn gọi là học phí thì không tăng và tiến tới miễn giảm nhanh hơn lộ trình nếu có thể.

Việc miễn giảm học phí này theo tinh thần sử dụng ngân sách của địa phương, với các tỉnh khó khăn thì ngân sách của Trung ương hỗ trợ để các trường còn có nguồn chi tiêu", Phó Thủ tướng cho hay.

Lương và biên chế giáo viên: Bộ GD&ĐT không quyết được

Cũng theo Phó Thủ tướng, năm học vừa qua vẫn là năm học vượt khó về đại dịch nhưng chúng ta cố gắng đạt được thứ hạng của các kỳ thi quốc tế cũng như trong nước, đồng thời đổi mới chương trình SGK.

"Chúng ta trân trọng sự đóng góp của nhiều giáo viên và học sinh trong công tác chống dịch.

Và mới đây, Chính phủ đã ban hành được quyết nghị về hỗ trợ giáo viên mầm non và tiểu học gặp khó khăn vì dịch.

Đây là cố gắng rất lớn bởi chủ trương này đã được đề xuất rất sớm nhưng do vướng chính sách về tài chính nên đến ngày 11/8/2022 chúng ta mới ban hành được", Phó Thủ tướng cho biết.

Chia sẻ về cái khó của lãnh đạo ngành Giáo dục, Phó Thủ tướng nói rằng, ngành luôn nói mong muốn đủ giáo viên, đủ điều kiện để học sinh học 2 buổi/ngày nhưng có hai việc mà ngành Giáo dục không quyết định được đó là lương và biên chế giáo viên.

"Muốn cả xã hội và mọi người thông cảm, chúng ta phải nhìn thẳng vào bất cập yếu kém do chủ quan của chính mình. Chẳng hạn chúng ta không chủ động được giáo viên, trường lớp nhưng về chuyên môn, chương trình và SGK thì Bộ GD&ĐT phải chủ động.

Tại sao chúng ta cứ loay hoay với câu chuyện thi cử, kiểm tra, học thêm, dạy thêm và hệ lụy nữa là sách tham khảo bởi đơn giản, chúng ta chưa thực sự trung thực ngay trong giáo dục.

Chúng ta phải khổ sở chuyện tuyển sinh đại học nhưng tại sao không được như các nước phát triển bởi họ rất trung thực. Bản chất vấn đề là chúng ta chưa trung thực", Phó Thủ tướng khẳng định.
Không thể để sĩ số 60 học sinh/lớp

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải quyết liệt đổi mới quản lý Nhà nước, từ đó đổi mới về quản trị. Tinh thần đảm bảo dân chủ trường học, xây dựng môi trường dân chủ trong trường học từ cấp phổ thông trở lên.

Theo Phó Thủ tướng, giáo dục là một quá trình liên tục, có những việc liên tục phải lặp lại nhưng tinh thần chung là bám sát Nghị quyết 29 NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Bộ phải huy động sức mạnh của toàn xã hội để nâng chất lượng giáo dục lên nữa.

Phó Thủ tướng cho rằng, việc nâng giáo dục phổ thông lên rất khó nhưng vẫn phải cố gắng. Riêng giáo dục đại học của chúng ta hiện vẫn đứng thứ ngoài 60, điều này cần sự vào cuộc của cả hệ thống.

"Chúng ta phải rà soát lại, chủ động đề xuất các cơ chế học phí, về thực hiện "tự chủ" nhằm có tỷ lệ các trường thích hợp ở địa bàn thích hợp có thể lo lương cho giáo viên, giảm giáo viên hưởng lương theo biên chế Nhà nước.

Từ đó, có thể lấy biên chế đấy cho vùng nông thôn, sao cho đủ giáo viên và học sinh học 2 buổi /ngày thuận lợi, không thể để sĩ số học sinh 60 em/lớp.

Hiện các nước dần dần chỉ có 20 học sinh/lớp trong khi các khu đô thị lớn của chúng ta, sĩ số học sinh 50-60 em/lớp, rất quá tải.

Điểm quan trọng nữa phải làm là Bộ GD&ĐT phải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, đề xuất bổ sung quy định huy động các nguồn đóng góp tự nguyện của cộng đồng vào cho trường học; đồng thời rà soát quy định dạy thêm, học thêm dẫn tới việc học sinh phải "tự nguyện" "xin" được học thêm, "xin" được đóng góp…

Và cuối cùng phải đẩy mạnh chuyển đổi số, học liệu điện tử và học liệu số như một cách bổ trợ lâu dài trong giáo dục.

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay2,677
  • Tháng hiện tại92,101
  • Tổng lượt truy cập1,917,846
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây