“MỌI SỰ CỐ GẮNG CHƯA CHẮC ĐÃ GẶT HÁI ĐƯỢC KẾT QUẢ NHƯNG MỖI KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CHẮC CHẮN LÀ CẢ MỘT QUÁ TRÌNH CỐ GẮNG”

Sự khác biệt của ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin

Chủ nhật - 19/11/2023 11:04
"Ngành Khoa học máy tính và ngành Công nghệ thông tin có điểm gì khác nhau" - đây là một trong những băn khoăn của rất nhiều sinh viên hiện nay.
Sự khác biệt của ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin
Để giải đáp thắc mắc của câu hỏi này, đại diện Trường Đại học Đại Nam đã đưa ra lí giải như sau:

Năm 2005, Hiệp hội máy tính quốc tế ACM chia các chương trình đào tạo ngành máy tính bậc đại học thành 5 chuyên ngành như sau:

- Kỹ thuật máy tính: Thiên về đào tạo lý thuyết và ứng dụng liên quan đến thiết kế và sản xuất phần cứng máy tính.

- Khoa học máy tính: Thiên về các lý thuyết và ứng dụng của máy tính như lý thuyết tính toán, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn.

- Công nghệ phần mềm: Lý thuyết và ứng dụng các công nghệ sản xuất phần mềm, quy trình, công cụ sản xuất phần mềm.

- Hệ thống thông tin: Lý thuyết và ứng dụng máy tính trong việc quản lý hệ thống thông tin của doanh nghiệp, tổ chức.

- Công nghệ thông tin: Triển khai ứng dụng máy tính trong các lĩnh vực hoạt động của cuộc sống.

1 trong 5 chuyên ngành máy tính nêu trên đều có đặc thù riêng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta thường hiểu Công nghệ thông tin là bao gồm cả 5 chuyên ngành nói trên.

Theo khung phân loại của Hiệp hội máy tính quốc tế ACM, Công nghệ thông tin thì thiên hơn về việc triển khai, vận hành, duy trì, bảo trì các hệ thống máy tính, còn Khoa học máy tính thì phân tích, thiết kế, phát triển ra các hệ thống máy tính.

Theo các số liệu về thống kê nghề nghiệp, mức lương trung bình của ngành Khoa học máy tính cao hơn ngành Công nghệ thông tin vì đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng hơn và cũng có nhiều tác động tới kinh tế xã hội hơn.

Liên quan tới vấn đề so sánh sự khác nhau giữa ngành Khoa học máy tính và ngành Công nghệ thông tin, trao đổi với Báo Lao Động, Đặng Tuấn Anh - sinh viên ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết, ngành Khoa học máy tính được cho là ngành đào tạo truyền thống và có cơ hội nghề nghiệp rộng mở nhất trong khối ngành Công nghệ thông tin của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tùy vào định hướng nghề nghiệp mà các sinh viên có thể chọn các khối kiến thức chuyên sâu để theo học.

"Ngành Khoa học máy tính với ngành Công nghệ thông tin ở Đại học Bách khoa Hà Nội không có sự khác biệt quá nhiều. Khi được học, em nhận thấy ngành Khoa học máy tính được coi là cơ sở, nền tảng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.

Về chương trình đào tạo, các môn đại cương gần như giống nhau. Còn đối với môn chuyên ngành, ở Khoa học máy tính sẽ đào tạo chuyên sâu về đối tượng áp dụng. Một số môn chuyên ngành trọng tâm cần phải lưu ý ở năm 2, năm 3: Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Lập trình hướng đối tượng..." - Tuấn Anh cho hay.

Cũng theo nam sinh viên, để có thể theo học ngành Khoa học máy tính, người học cần phải có nhiều tố chất, tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất vẫn xuất phát từ đam mê.

"Sự đam mê là điều cốt lõi để giúp sinh viên theo học ngành Khoa học máy tính. Điều tiếp theo đó là phải có tố chất về môn Toán. Em quan sát, nếu sinh viên có nền tảng kiến thức Toán sâu rộng thì sẽ là một lợi thế để theo học ngành Khoa học máy tính" - Tuấn Anh nói.

Nguồn tin: laodong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay7,259
  • Tháng hiện tại58,293
  • Tổng lượt truy cập2,083,684
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây